Xin cho chúng nên một

Tinh thần nào giúp cho Giáo Hội hôm nay trở nên chứng tqư đích thực của Chúa Ki-tô?

Một người kia có ba người con trai, trước khi qua đời, ông muốn dạy các con bài học hiệp nhất: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, ông gọi các con đến và nói: “Vàng bạc thì cha không có, cha có một gia tài quý giá hơn cả vàng và muốn để lại cho các con”. Nói xong ông lấy ra ba chiếc đũa tre trao cho ba người con mỗi người một chiếc và bảo: “Các con hãy bẻ gãy chiếc đũa cho cha coi”. Ba người con vâng lời cha bẻ gãy chiếc đũa dễ dàng.

Sau đó người cha trao cho ba người con mỗi người một bó đũa và nói: “Các con hãy bẻ gãy bó đũa này cho cha xem”. Lúc này ba người con dùng hết sức vẫn không sao bẻ gãy được. Bấy giờ người cha mới nói: “Nếu các con biết đoàn kết thương yêu nhau, thì các con giống như bó đũa kia sẽ không có sức mạnh nào làm gãy được các con. Ngược lại nếu các con không đoàn kết thương yêu nhau mỗi người một nơi, thì các con sẽ như chiếc đũa kia bị bẻ gãy một cách dễ dàng, hiệp nhất: Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.

Nói xong, người cha ra đi trong vòng tay yêu thương của các con.

Câu truyện trên mình chứng cho chúng ta một điều cốt yếu cho việc rao truyền tin mừng là sự hiệp nhất của Giáo Hội được đặt nền tảng bởi lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong bài Tin mừng. Chúng ta đã lắng nghe lời cầu nguyện lâu giờ của Đức Giê-su trong những giây phút chuẩn bị từ bỏ đời này mà về cùng Chúa Cha. Mối bận tâm lớn nhất của Chúa không phải là Giáo Hội sẽ được tổ chức quy mô, cũng không phải là các bí tích được cử hành long trọng hay hoàn hảo cho bằng những người tin hiệp nhất nên một như lời thân thưa của Ngài với Chúa Cha: lạy Cha, xin cho chúng nên một như chúng ta là một. Vậy sự hiệp nhất trở nên nền tảng cho sứ mạng tiếp nối công cuộc rao giảng Tin mừng của Giáo Hội.

Từ kho tàng vô giá của Kinh thánh mà chúng ta vừa cùng nhau suy niêm, hệ luận cho việc rao truyền tin mừng nước Chúa, là chúng ta cần hiệp nhất trong yêu thương. Sự hiệp nhất trong yêu thương được mở rộng tới cả những kẻ bé mọn, những người nghèo khó, bị loại trừ và tất cả những người nam và người nữ bị khước từ do quá khứ lỗi lầm của họ.

Tuy nhiên chính Thiên Chúa mới là Đấng đang có đó để liên kết  những anh chị em này với Giáo Hội  và loan báo cho họ tin vui của tình yêu cũng như trao tặng lại cho họ niềm vui mừng và hy vọng. Noi gương Đức Giê-su, chúng ta phải biết tha thứ cho nhau để làm chứng cho lòng thương xót của Chúa đối với toàn thể nhân loại. Sứ mạng này chỉ có thể được hoàn thành nếu  các tín hữu Chúa sống tinh thần hiệp nhất yêu thương.

Trong cuốn 5 chiếc bánh và 2 con cá, vị tôi tớ Chúa là ĐHY Phanxicô đã chia sẻ lúc bị giam ở trại tù Phú Khánh rằng: Một đêm đông lạnh quá, không ngủ được, tôi nghe một tiếng nhắc nhủ tôi:  “Tại sao con dại thế?  Con còn giàu lắm:  Con mang tình thương Chúa Giêsu trong tim con.  Hãy yêu thương họ như  Chúa Giêsu đã yêu con”.  Sáng hôm sau, tôi bắt đầu mến những người lính gác, yêu mến Chúa Giêsu trong họ, tươi cười với họ, trao đổi đôi ba câu nói…  Tôi thuật lại những chuyến đi ra nước ngoài, cuộc sống, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật, tự do dân chủ ở Canada, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Pháp, Đức, Úc, Áo, v.v…  Những câu chuyện đó kích thích tính tò mò của họ, giục họ đặt nhiều câu hỏi.  Tôi luôn luôn trả lời…  Dần dần chúng tôi trở thành bạn.  Họ muốn học sinh ngữ Anh, Pháp… tôi giúp họ.  Từ từ mấy chiến sĩ gác tôi trở thành học trò của tôi!  Bầu khí nhà giam đổi nhiều, quan hệ giữa họ với tôi tốt đẹp hơn.  Thậm chí cả những ông xếp công an, thấy tôi đối xử chân thành, không những họ xin tôi giúp các chiến sĩ học hành ngoại ngữ, nhưng họ còn gửi anh khác đến học”.

Qua chứng từ trên, ta thấy để đạt được sự hiệp nhất  này, vấn đề không phải là tìm kiếm những sự đồng nhất của các ý tưởng giữa người này với người khác, mà điều quan trọng là ĐHY chia sẻ tình thương của Đức Ki-tô cho những người anh em để đổi thù thành bạn. Đối với con cái Giáo Hội là chúng ta cũng thế, điều quan trọng là tập họp với nhau xung quanh Chúa Giê-su và hiệp nhất với nhau trong lời cầu nguyện. Vậy đừng chờ đợi cho đến lúc hoàn hảo mới có thế hướng lòng về với Chúa bởi vì chính Ngài đang mời gọi chúng ta cùng nhau nối kết với lời cầu nguyện của Ngài cho sự hiệp nhất các môn đệ: lạy Cha, xin cho chúng nên một.

Lời cầu nguyện này còn nối kết với chúng ta hôm nay trong một thế giới đang đau đớn vì bạo lực và chiến tranh. Có biết bao nhiều người nam và nữ, cùng với các trẻ em đã bị bách hại và tàn sát đẫm máu vì niềm tin vào Đức Ki-tô. Kính thưa…trong ngày Chúa nhật hôm nay,  chúng ta cùng cầu xin Chúa cho công cuộc hòa giải các dân tộc và cho tiến trình thực thi công lý trên toàn thế giới. Xin Chúa cho chúng ta sự can đảm và sức mạnh để sẵn sàng chung tay xây dựng một thế giới mỗi ngày một công bằng, huynh đệ hơn và cho một thế giới đầy tràn tình yêu thương và hiệp nhất trong Đức Ki-tô Chúa chúng ta. Amen

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *