Xin Thầy ở lại với chúng con

Trên đường Em-mau, hai người lữ khách bước đi bên nhau.

Mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài.

Này ngài tiến đến, về Em-mau tiến bước theo ngay bên.

Họ không trông ai, người lữ khách đó chính là Ngài.

Lời bài hát quen thuộc “ Trên đường Emmaus, của linh mục nhạc sỹ Thành Tâm, giúp chúng ta cảm nghiệm sâu sa hơn về câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau mà Thánh Luca vừa thuật lại. Có thể nói câu chuyện này là một trong những câu chuyện đẹp nhất của văn chương thế giới vì mỗi chúng ta thấy được hình trình đời mình trong đó: trong cái buồn man mác và thất vọng, lại bừng lên ánh sáng của niềm vui mừng và hy vọng. Đó chính là tâm trạng của hai môn đệ mà duy nhất Thánh sử Luca đã kể lại trong Tin mừng.

Theo câu chuyện thuật lại thì hai môn đệ đang trên đường trở về Emmaus trong ánh chiều tà, về làng quê của họ trong nỗi buồn rầu và thất vọng vì những biến cố bi thương xẩy ra đối với họ cách đó ba ngày. Vâng, thật là bi thảm khi nói về một niềm hy vọng đã qua đi, quá khứ xẩy ra làm cho hiện tại không còn hy vọng. Hai môn đệ trên đường Emmaus cũng đã từng hy vọng nhưng lúc này không còn hy vọng nữa.

Mất niềm hy vọng, đó là điều mà chúng ta vẫn thường thấy. Trong đời sống của Giáo hội, niềm hy vọng đôi khi cũng giống như là một ngọn lửa mong manh. Hy vọng rằng Ki-tô giáo có thể phát triển nhưng thực tế là có không ít nhà thờ ở nhiều nơi trên thế giới phải đóng cửa và phải bán đi, các giáo phận có nguy cơ bị phá sản, ngày càng có ít bạn trẻ dám dấn thân đi tu làm linh mục, tu sỹ…Ngay tại mỗi giáo xứ chúng ta, hẳn là cha ông chúng ta một thời đã từng can trường giữ vững đức tin, và hy vọng thế hệ con cháu sẽ tiếp nối và chuyển tải ngon lửa đức tin cho con cháu, nhưng có còn hy vọng hay không khi mà những thách đố thời cuộc làm cho thế hệ trẻ hôm nay không muốn đến nhà thờ…

Trong đời sống mỗi ngày, nhiều khi chúng ta cũng đối diện với những tình huống không lối thoát: như mất niềm hy vọng về tương lai đời mình, một thất bại trong sự nghiệp, một người thân qua đời, một căn bệnh hiểm nghèo, một sa ngã trong những tệ nạn…Và như hai môn đệ trên đường Emmaus, có thể chúng ta thất vọng trở về nhà, cúi đầu ôm nỗi buồn với ánh nhìn trong âu sầu tuyệt vọng.

Quả vậy, có ai mà không có lúc này hay lúc khác ở trong tình trạng trên đường Emmaus: khi hoàng hôn buông xuống, mặt trời sắp lụi tàn…một hành ảnh thật ảm đạm vì không có giải pháp cho những khó khăn và thử thách mà mỗi người đang phải đối diện. Tiếp tục tiến bước đấy, nhưng con tim không còn nhiệt huyết, hành trình dường như chìm trong bóng đêm.

Nhưng chính những lúc như thế, kính thưa….Thiên Chúa muốn làm mới lại đời sống của mỗi chúng ta. Ngài đến với mỗi chúng ta bằng nhiều thể nhiều cách: qua một người bạn, qua một đồng nghiệp, một người xa lạ tốt bụng, hay một biến cố vui buồn.

Có thể ban đầu, nhiều người trong chúng ta sẽ không nhận ra Đức Ki-tô, đang đồng hành với mình trong đời sống. Nhưng Ngài vẫn có đó, vẫn đang hiện diện cùng với mỗi người trên hành trình cuộc đời.

Thực vậy, Đức Ki-tô đang quan tâm lắng nghe những câu chuyện xẩy ra chung quanh chúng ta: những ốm đau bệnh tật, những xích mích, hiểu lầm trong gia đình…hay những khủng hoảng trong Giáo Hội…những vấn đề xẩy ra trên toàn thế giới như chiến tranh, khủng bố, đói nghèo, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh nan y bất trị, cụ thể là bóng đêm đang bao trùm nhiều nơi do dịch bệnh Covid 19 gây ra.

Khi một người đọc Kinh Thánh, sẽ cần có những soi sáng để hiểu Lời Chúa. Và đây Lời Chúa hôm nay sẽ chiếu sáng các thực tại đời sống của chúng ta bằng một ánh sáng mới.

Vị lữ khác xa lạ làm cho hai môn đệ nhận ra các biến cố xẩy ra dưới một góc cạnh mới. Việc Đức Giê-su bị kết án bởi các Thượng tế, và cái chết trên thập giá thật sự là một sự tán ác và bất công, nhưng với ánh sáng của Lời Chúa đã soi sáng cho các ông có một cái nhìn mới bởi niềm tin.

Chúa Cha đã không nói với Con mình rằng: Con phải chết trên cây thập tự”. Nhưng Cha đã nói với Con: “ Con hãy yêu thương cho đến cùng, bằng một tình yêu không giới hạn”. Cái chết của Đức Ki-tô là cao điểm của tình yêu cho đến tận cùng này, chứ không phải là dấu chỉ của một sự thất bại. Từng bước một, ánh sáng dần hé lộ cho hai môn đệ trên đường Emmaus. Lời Chúa mang lại một sự soi sáng mới.

Bước ngoặt của câu chuyện xẩy ra khi hai môn đệ quảng đại đưa ra lời mời vị lữ khách xa lạ: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn…Mời ông cùng vào bàn ăn với chúng tôi.” Và đang khi Chúa Ki-tô phục sinh bẻ bánh, các ông đã nhận ra Người.

Thực vậy, Chúa Kitô phục sinh tự tỏ mình ra vào cái giây phút nói lên sự hiệp thông huynh đệ. Ngài đã cho hai môn đệ đọc lại quá khứ dưới ánh sáng của Lời Chúa, mở ra cho họ một tương lai mới. Khi bẻ bánh, họ đã nhận ra Chúa và từ đó với lòng tràn ngập niềm vui họ đã quyết định trở về Jêrusalem ngay trong đêm để gặp lại những người anh em mà mới buổi sáng họ vừa chia tay.

Bài Tin mừng hôm nay kết thúc với một phân đoạn tuyệt đẹp: đó là các môn đệ trao đổi với nhau về tin mừng phục sinh: “ Chúa đã sống lại rồi”. Đây là một niềm vui lớn lao, một niềm tin sống động, một niềm tin thực sự bắt đầu trong niềm vui của sự gặp gỡ, hiệp thông và chia sẻ, như chính Chúa đã nói: ở đâu có hai ba người họp nhau vì danh Ta, Ta sẽ ở giữa họ.”

Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus mời gọi chúng ta trong buổi chiều ngày đại lễ Phục sinh hôm nay, biết nhìn lại quá khứ của mình dưới ánh sáng của Lời Chúa và biết đón nhận anh chị em mình đang cần đến lòng thương xót Chúa và cùng chia sẻ với nhau bàn tiệc Thánh Thể. Nhìn lại quá khứ với sự soi sáng của Lời Chúa, đón nhận anh chị em mình và chia sẻ bánh Thánh thể là ba con đường mà Chúa Giê-su đã dùng để đến gặp gỡ chúng ta và làm cho đời sống chúng ta có ý nghĩa. Vậy trong niềm niềm vui mừng và tràn trề hy vọng của ngày đại lễ Phục sinh, chúng ta cùng mượn lời hai môn đệ trên đường Emmaus mà thân thưa với Chúa Ki- tô phục sinh rằng: “ Mời Thầy ở lại với chúng con vì trời xế chiều và ngày sắp tàn rồi”. Amen.

Đại Lễ Phục Sinh – Chiều 2020

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *