Yên thương kẻ thù

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy một hình ảnh tuyệt đẹp về Thiên Chúa, một Thiên Chúa đầy lòng thương xót, dịu hiền, bao dung. Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta khuôn mặt của Chúa Cha, Đấng đã không sai con mình xuống để phán xét nhưng là để tha thứ. Chúa Giêsu đã tha thứ cho Maria Mađalena, cho ông Gia kêu, cho người phụ nữ ngoại tình, cho đứa con hoang đàng, cho người phụ nữ Samaria, cho ông Phêrô, cho tên trộm lành trên thập giá, cho các người làm công lúc cuối ngày, cho những người kết án tử Chúa.

Sau khi mạc khải về tình thương cao vời như thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cũng hãy biết biết hành động như Ngài: “ Anh em hãy có lòng thương xót như Cha trên trời là đấng đầy lòng thương xót”.

Điều làm nên luân lý kitô giáo không phải là yêu, bởi vì luân lý tự nhiên cũng yêu cầu điều đó, nhưng còn ở bậc cao hơn, đó là yêu thương kẻ thù của mình. Một tình yêu ‘tứ hải giai huynh đệ” không miễn trừ cho bất cứ ai. Thực tế là đối với các ki tô hữu chúng ta, không luôn hoàn hảo hơn những người khác. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đề nghị chúng ta khác với mọi người khi mà “yêu thương những người không thương yêu mình”.

Phản ứng đầu tiên đối với đoạn Tin mừng hôm nay có thể sẽ là: “ Nhưng tôi lại không có kẻ thù”. Thực tế trong đời sống có nhiều điều làm cho tôi khó chập nhận được họ. Đó là có nhiều người làm cho tôi lo lắng, làm cho tôi khó chịu… khi mà họ có những lối sống khác trong sinh hoạt hằng ngày như cách ăn mặc, các giải trí hoặc những điều khác. Thế rồi trong đời sống, có không ít người không cùng chủng tộc, không cùng tầng lớp xã hội, không cùng văn hóa, tôn giáo…Nhưng Chúa Giêsu lại yêu cầu chúng ta yêu mến những người chỉ trích mình, những người không cùng quan điểm với mình. Điều quan trọng là đừng bao giờ để xẩy ra tình trạng đối đầu với nhau cũng như là hận thù với nhau.

Trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, Chúa Giêsu dạy phải yêu thương người thân cận nhưng Ngài không cho thấy người bị thương thuộc tầng lớp xã hội nào, thuộc quốc gia nào, thuộc tôn giáo nào…Lòng thương xót và dịu hiền phải được dành cho mọi người không phân biệt bạn hay thù.

Để có thể hành động nhưng là những người con cái Chúa, Chúa hứa ban cho chúng ta một quả tim mới: Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt” (Ed 36, 26 – 28).

Vào ngày 30 tháng 1 năm 1956, mục sư Martin Luther King, Jr. trở về nhà sau một cuộc họp và nhìn thấy nhà của mình đã bị đánh bom trong khi vợ và con của ông đang ở trong đó. Đám đông đầy giận dữ đã tràn ra sân trước đi tìm thủ phạm. Sau một lúc, Tiến sĩ King bước ra và phát biểu trước đám đông. Đây là những gì ông ấy nói: “Chúng tôi không ủng hộ bạo lực. Chúng ta phải yêu kẻ thù của mình. Những gì chúng ta đang làm là đúng đắn, và Chúa sẽ ở với chúng ta.” Thực vậy, với cách hành xử đó, Ông mục sự Martin Luther Kinh đã để cho Chúa ban tặng cho ông một quả tim bằng thịt để biết yêu thương và tha thứ.

Chúng ta cùng đọc lại thánh vịnh trong thánh lễ để gợi lên cho mỗi chúng ta sự cảm nhận sâu sa tình thương của Chúa và mời gọi chúng ta noi gương Chúa: CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm (Tv 102, 8 – 10).

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *