Yêu thương địch thù

Trong các bài đọc Kinh Thánh hôm nay, Thiên Chúa chỉ cho thấy điều mà Ngài chờ đợi nơi mỗi chúng ta, là: “hãy nên thánh vì Thiên Chúa là Đấng Thánh”.

Trong bài đọc I, chúng ta đã thấy Luật về sự thánh thiện dạy phải yêu thương, nhưng lòng yêu thương ấy chỉ giới hạn trong những người Israel với nhau. Còn trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy phải mở rộng yêu thương đến kẻ thù. Cụ thể là:

– Theo tinh thần Cựu Ước, người ta có quyền trả đũa “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Còn theo giáo huấn của Đức Giêsu thì đừng trả đũa nhưng hãy nhường nhịn.

– Theo tinh thần Cựu Ước, người ta chỉ yêu thương người đồng bào. Còn theo giáo huấn của Đức Giêsu thì hãy yêu thương thù địch và lấy ơn để báo oán.

Lý do của lòng yêu thương bao la ấy là chúng ta phải noi gương Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên trời, “Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên người công chính lẫn kẻ bất lương”.

Như thế, giáo huấn về yêu thương của Đức Giêsu thể hiện đúng nguyên tắc mà Luật về sự thánh thiện trong sách Lêvi đã đề ra : “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh”.

Nên thánh thiện bằng việc yêu thương kẻ thù, ở đây không phải là  sự thiện cảm, mà là một thiện chí. Martin Luther King là một mục sư da đen, người đã đấu tranh để người da đen không còn bị người da trắng ngược đãi. Ông có một cách hiểu rất dễ chấp nhận về lời Chúa Giêsu dạy “Hãy yêu thương kẻ thù”, như sau :

“Trong Tân Ước, chúng ta thấy từ Agapè được dùng để chỉ tình yêu. Đó chính là tình yêu dồi dào không đòi một đáp trả nào hết. Các nhà thần học nói đó là tình yêu Thiên Chúa được thực hiện nới tâm hồn con người. Khi vươn lên một đỉnh cao tình yêu như vậy, chúng ta sẽ yêu hết mọi người, không phải vì chúng ta có thiện cảm với họ, cũng không phải vì chúng ta đánh giá cao lối sống của họ. Chúng ta yêu thương họ vì Thiên Chúa yêu thương họ. Đó chính là ý nghĩa lời Đức Giêsu dạy “Anh em hãy yêu thương kẻ thù”. Phần tôi, tôi sung sướng vì Ngài đã không nói “Anh em hãy có thiện cảm với kẻ thù của anh em” bởi vì có những người mà tôi khó có thiện cảm nổi. Thiện cảm là một xúc cảm. Tôi không thể có xúc cảm với người đã ném bom vào gia đình tôi. Tôi không thể có thiện cảm với người bóc lột tôi. Tôi không thể có thiện cảm với người đè bẹp tôi dưới sự bất công. Không, không thể có một thiện cảm nào đối với người đêm ngày đe dọa giết tôi. Nhưng Đức Giêsu nhắc tôi rằng tình yêu còn lớn hơn thiện cảm, rằng tình yêu là thiện chí biết cảm thông, có tính sáng tạo, cứu độ đối với hết mọi người”.

Tình yêu mà Chúa Giê-su dạy chúng là là một tình yêu thiện chí, có nghĩa là hướng tình yêu của chúng ta trở nên giống tình yêu của Chúa.

Chuyện kể rằng: có hai người thổ dân Nam Phi rất ghét nhau. Ngày kia trong một hai người gặp đứa con gái nhỏ của kẻ thù đang đi trong rừng. Hắn liền bắt cô bé, chặt đứt ngón tay rồi thả ra. Cô bé vừa chạy vừa khóc, còn hung thủ vừa đi vừa la: Ta đã trả thù được rồi. Mười năm sau, cô bé lúc đó đã có chồng và có con. Ngày kia, một kẻ ăn mày tới xin ăn, bà nhận ra đó là kẻ đã chặt tay mình, nên vội vàng vào nhà, bảo tôi tớ đem cơm thịt và cá ra đãi. Khi kẻ thù đã ăn xong, bà bèn giơ bàn tay cụt ra cho coi và nói: Tôi cũng đã trả thù được rồi.

Sự trả thù của cô bé, chính là một thiện chí mà mỗi chúng ta là con cái Chúa được gọi mời thực hiện. Thiện chí chỉ có được khi mỗi chúng ta có một tình yêu như chính Chúa Giê-su yêu thương. Mỗi Thánh lễ được cử hành sẽ nhắc lại cho chúng ta tình yêu tự hiến của chính Chúa Giê-su Ki-tô cho toàn thể nhân loại. Ước gì việc tham dự Thánh lễ giúp cho mỗi tín hữu cảm nhận được tình yêu của Chúa để sống tình yêu ấy mỗi ngày.

Lạy Chúa, xin làm cho chúng con trở nên khí cụ bình an của Chúa để chúng con biết : đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Amen.