Yêu thương nhau

Trình thuật Tin mừng hôm nay thuộc về chương 13 của Tin mừng Thánh Gioan. Phần đầu tiên của chương này cho thấy Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ của mình. Qua đó Ngài cho họ một mẫu gương về tình yêu và sự phục vụ. Yêu thương và phục vụ trở thành dấu hiệu đặc biệt của các môn đệ Chúa Giêsu. “nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13:14)

Làm thế nào để biết chúng ta là môn đệ thực sự của Chúa Kitô? Câu cuối cùng của Tin Mừng hôm nay cho chúng ta câu trả lời thật rõ ràng: “Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”. Yêu thương nhau đó chính là dấu chỉ của các Kitô hữu. Thực vậy các nghi lễ, tổ chức, bí tích, đều quy về điều này, cũng như nuôi dưỡng và thể hiện tình yêu mà chúng ta dành cho nhau.

Điều răn yêu thương không phải là điều gì mới mẻ. Đó là một trong những điều cơ bản trong truyền thống Kinh Thánh, như sách luật Lêvi viết rõ: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19:18). Điều mới mẻ ở đây là cách thể hiện tình yêu này, đó là: “yêu nhau như Thầy yêu anh em”. Như vậy điều răn mới về tình yêu ở đây là: yêu như Chúa Giêsu yêu thì vượt trên cả yêu chính bản thân mình.

Tình yêu mà Chúa Kitô nói tới hôm nay là một nguồn nước của sự sống mang lại một mùa xuân mới. Nó là một loại dầu dưỡng chữa lành vết thương. Tình yêu này là một tình yêu sâu sắc, chung thủy, một tình yêu mạnh mẽ hơn sự giận ghét, mạnh hơn bất công và mạnh mẽ hơn cái chết. Tình yêu này là một tình yêu mới bởi vì nó đi tới tận cùng, đó là  “Yêu thương nhau như Thầy yêu anh em”. Giới răn này là đòi buộc duy nhất của giao ước mới được ký kết bằng chính tình yêu trên Thập giá của Đức Giêsu Ki-tô. Tất cả mọi thứ khác là thứ yếu nên sứ mệnh này đã được chính Chúa Kitô giao phó cho tín hữu để nhờ đó mà “người ta sẽ biết anh em là môn đệ thầy nếu anh em yêu thương nhau.”

Điều ưu tiên trong đời sống Giáo hội không phải là luật pháp, thể chế, cơ chế tổ chức, giáo thuyết, truyền thống…. Cũng không phải là phải cầu nguyện, làm phúc, bố thí, hay trang hoàng bàn thờ và nhà thờ hoành tráng. Tất cả những điều này rất quan trọng, nhưng điều hoàn toàn cần thiết là tình yêu chúng ta dành cho nhau. Đây là dấu hiệu duy nhất để mọi người được nhận ra ai là môn đệ của Đức Ki-tô. Đây là điều răn mới mà Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta như một di sản vô giá.

Sau phần truyền phép của mỗi thánh lễ, chúng ta thưa lên lời kinh nguyện Thánh thể để tình yêu mới này sẽ được thực hiện trong chúng ta đó là “khi thông phần vào Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, chúng con tha thiết nài xin để chúng con được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần.” Tình yêu này là có thể và nó thực sự tồn tại trong thế giới của chúng ta ngày nay.

Chuyện kể một ngày nọ, khi thánh Têrêsa thành Calcutta (Mẹ Têrêsa, 1910-1997) và các Thừa sai Bác ái của bà đang chăm sóc những người nghèo nhất trong số những người nghèo trên đường phố Calcutta, họ tình cờ gặp một người đàn ông nằm trong rãnh nước, sắp chết. Ông ta bẩn thỉu, chỉ cuốn một tấm giẻ rách và ruồi nhặng bâu quanh người. Ngay lập tức, Mẹ Têrêsa ôm lấy ông, nói chuyện nhẹ nhàng với ông và bắt đầu gắp những con giòi đang làm tổ trong da thịt ông. Một người qua đường cảm thấy ghê tởm khi nhìn thấy cảnh tượng đã thốt lên với Mẹ Têrêsa: “Tôi sẽ không làm điều đó dù được cho một triệu đô la.” Phản ứng ngay của Mẹ: “Tôi cũng vậy!” Đích thực, tiền bạc không phải là động lực thúc đẩy người phụ nữ nhỏ bé được mệnh danh là thánh Têrêsa Calcutta; chính tình yêu đã làm.

Không yêu thương được bằng mẹ Têrêsa, nhưng chúng ta có thể thấy trong đời sống thường ngày nhiều chứng tá nhỏ bé phản ảnh tình yêu như Chúa Giêsu yêu thương như: Cha mẹ trong nhiều năm dành tình yêu và tình cảm cho một đứa trẻ khuyết tật không thể tự chăm sóc bản thân; Vợ chồng chăm sóc nhau lúc đau yếu bệnh tật; con cái chăm sóc cha mẹ già, thường xuyên đến thăm và giúp đỡ họ về tài chính; nhưng tình nguyện viên một phần thời gian của họ để tình nguyện, thăm người bệnh, đồng hành với người già, giúp đỡ người khuyết tật…hay các anh chị em Caritas dành thời gian và tiền bạc để giúp đỡ các nạn nhân của các nạn dịch và thảm họa trên toàn thế giới; v.v. Tình yêu thương nhau này được biểu lộ theo hàng ngàn cách thế trong cuộc sống hàng ngày như: lắng nghe, chào đón, chăm sóc người khác, phục vụ những người yếu đuối nhất, lòng trắc ẩn, sự tha thứ, lòng thương xót, v.v. Nó được phản ánh trong các hành động đơn giản của cuộc sống hàng ngày và trong các hoạt động cộng đồng ủng hộ lợi ích chung, nhân quyền, công bằng xã hội, phân phối hàng hóa tốt hơn, môi trường chất lượng cao, cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, phân biệt đối xử, v.v. Bằng cách yêu thương lẫn nhau như Chúa Kitô yêu thương, là chúng ta tham gia vào việc xây dựng Đô Thành mới trên Nước Trời, kính thưa… nơi đó “sẽ không có cái chết, không có tang tóc, không có nước mắt, không đau đớn, không bạo lực, không chiến tranh, không bóc lột”.

Ước gì lời Chúa Giêsu hôm nay luôn vang vọng trong tâm hồn mỗi người chúng ta: “Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. “

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *