Từ khi trở thành người kế vị Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô liên tục gây bất ngờ cho công chúng bởi những hành động giản dị và khác thường. Ngài từng rửa chân cho 12 tù nhân trẻ, tặng tiền cho một người phụ nữ tại Rome sau khi kẻ gian lấy ví của bà trên xe bus, gọi điện thoại cho những tín hữu đang tuyệt vọng để động viên, mời những người vô gia cư ăn bữa tối tại quảng trường Thánh Phêrô, ôm hôn người đàn ông có gương mặt quỷ. Có lần trong lúc thuyết giảng trước khoảng 150.000 người, có một cậu bé đã chạy lên sân khấu và ngồi vào ghế dành cho ngài, ngài đã xoa đầu đứa bé và để cậu bám vào chân ngài trong lúc ngài diễn thuyết…
Tất cả những hành động đó biểu lộ sự khiêm nhường, đức tính giản dị, hành động vị tha và tấm lòng trắc ẩn của Đức Thánh Cha và đã làm cho không chỉ các tín hữu mà mọi người trên thế giới ngưỡng mộ Ngài.
Chứng tá của tình yêu thương và phục vụ này giúp chúng ta cảm nghiệm rõ ràng hơn lời dạy của Chúa Giê-su trong bài Tin mừng hôm nay.
Quả vậy bài Tin mừng cho chúng ta thấy sau khi Chúa Giê-su loan báo cho các Tông đồ về cuộc khổ nạn và cái chết mà Người sẽ lãnh nhận, Chúa Giê-su đã bước đi một mình trước các tông đồ, còn các ông thì theo sau Người. Các tông đồ không hỏi Đức Giê-su câu nào, các ông không chấp nhận số phận của Thầy Giê-su vì lẽ các ông có những toan tính khác.
Thánh Mác-co miêu tả các tông đồ đi theo sau Chúa, và bàn tán với nhau về những điều chẳng liên quan đến điều thầy họ vừa nói. Điều các ông quan tâm là “ai sẽ là người lớn nhất trong vương quốc mà thầy họ sẽ tái lập”.
Nhận thấy cái cảnh “đồng sàng dị mộng” như thế, Chúa Giê-su mới hỏi các ông: các con tranh luận với nhau gì vậy? Câu hỏi có vẻ như Chúa Giê-su hỏi các ông cho có, và câu hỏi này như muốn đánh động lòng trí các ông hơn là muốn biết điều mà các ông tranh luận, bởi vì Chúa biết rõ các ông đang tranh cãi điều gì rồi. Và quả thế, các ông đã im lặng, im lặng vì họ biết Thầy Giê-su đang đi guốc trong bụng họ, và thấy được cái tham vọng mà họ đang ấp ủ: đó chính là cái khát vọng được làm lớn, cái khát vọng của quyền lực thống trị.
Mặc dầu đã từ bỏ tất cả để đi theo Chúa Giê-su, nhưng lúc này, các ông lại mơ tới cái vị trí được thống soái vương quốc để cùng nhau chia chác bổng lộc vật chất, các ông muốn bù đắp lại nhiều hơn khi được thống trị thiên hạ. Uớc mơ như thế của các ông rất tự nhiên, bởi vì trong mọi xã hội nhân loại, cũng như trong thế giới động vật, vẫn luôn còn đó cái luật được gọi là “ luật rừng” tức là cái luật: cá lớn nuốt cá bé, cái luật của kẻ mạnh luôn thống trị kẻ yếu.
Chúa Giê-su không đi theo cái luật này, ngài đến để lật đổ cái “lo-gíc của cái “luật rừng” này. Vâng, kính thưa cộng đoàn, Ngài đặt một đứa trẻ giữa các tông đồ, ôm nó vào lòng để dạy các ông bài học phục vụ: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.
Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy là đón tiếp chính mình Thầy… “Trẻ nhỏ” là hình ảnh của những người không quan trọng, không đáng kể, không cần lưu ý ; họ là những người nghèo hèn, tàn tật, bị bỏ rơi. Đức Giêsu muốn đồng hóa với những con người bất hạnh ấy, để khi đón tiếp họ, người môn đệ của Chúa hoàn toàn vô vị lợi, vì không mong chờ sự đáp trả của những kẻ khốn khổ ấy, và như thế cái vị trí của họ không phải là làm lớn để ăn hiếp người bé, nhưng là làm người phục vụ tất cả mọi người.
Hôm nay, Chúa Giê-su đã vén mở cho chúng ta cái màu nhiệm cao vời của Thiên Chúa. Sức mạnh của Ngài, sự vĩ đại của Ngài không phải là thống trị kẻ khác, nhưng là để phục vụ con người. Như thế, Chúa Giê-su đã hoàn toàn tự do tiến bước trên hành trình đau khổ, hành trình thập giá và Chúa thực sự đã tự hiến mình để làm người tôi tớ cho mọi người, làm người phục vụ mọi người. Thập giá là bằng chứng cụ thể cho thấy sự tự hiến và phục vụ này của Chúa. Vâng, tự thân, Chúa luôn là Người đầu, là Người lớn nhất…nhưng chính trong sự phục vụ, chính trong tình yêu thương mà Chúa trở nên Vô địch vì Ngài chính là Tình yêu tối hậu, chính là sự Phục vụ tối hậu.
Trở lại với chứng tá của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta nhận thấy Đấng kế vị thánh Phêrô của chúng ta đã không làm gì khác thường trước mắt mọi người, và nếu có khác thường trước mắt mọi người thì chỉ vì Ngài đã làm những gì mà Chúa Giê-su dạy các tông đồ khi xưa và những ai chọn đi theo Người: Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người. Đức Thánh Cha đã khiêm nhường sống lời dạy của Chúa Giê-su để trở nên người “ tôi tớ của các tôi tớ”, và làm nên chứng tá của tình yêu thương và phục vụ.
Như cảm nghiệm của một nhà truyền giáo: người hạnh phúc nhất trong anh em là người đã tìm thấy con đường hiến thân phục vụ”, xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết dùng quyền hạn của mình để phục vụ những người mà Chúa trao phó, bằng những thao thức và mong muốn làm mọi điều tốt lành cho họ để họ và chính chúng ta được an vui và hạnh phúc mỗi ngày một hơn. Amen.